Nội soi bàng quang là một xét nghiệm quan trọng nhằm mục đích chẩn đoán các bệnh của đường tiết niệu, đặc biệt là các bệnh ở bàng quang và niệu đạo. Ngoài ra, nội soi bàng quang cũng có thể tham gia điều trị trong một số trường hợp.
KHI NÀO CẦN SOI BÀNG QUANG
Chẩn đoán
- Chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu máu, trong trường hợp tiểu máu đại thể, tiểu máu tái phát nhiều lần.
- Tầm soát, kiểm tra bướu bàng quang, bướu niệu mạc đường tiểu trên.
- Trong các trường hợp có các khối u ở vùng chậu nhằm khảo sát sự xấm lấn, chèn ép của khối u với bàng quang và niệu quản.
- Theo dõi sau khi điều trị bướu bàng quang thể nông (giai đoạn sớm).
- Nghi ngờ bị lao niệu – sinh dục.
- Đánh giá tình trạng bàng quang trước khi phẫu thuật tạo hình làm rộng bàng quang : các trường hợp bàng quang teo nhỏ do bệnh lý.
- Bàng quang tăng hoạt, bàng quang hỗn loạn thần kinh.
- Các trường hợp tiểu không kiểm soát.
- Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang kẽ.
- Các trường hợp bất thường về giải phẫu và cấu trúc của đường tiểu dưới : hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, túi thừa bàng quang, túi thừa niệu đạo, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, dị vật trong lòng bàng quang…
- Rò bàng quang – âm đạo hoặc rò bàng quang – ruột.
Điều trị
- Sỏi bàng quang
- Viêm bàng quang kẽ
- Lấy dị vật trong lòng bàng quang
- Cắt đốt nội soi và hóa trị tại chỗ bướu bàng quang nông
- Cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt
- Chụp niệu quản – bể thận ngược dòng
CÁC THỦ THUẬT THỰC HIỆN TRONG NỘI SOI BÀNG QUANG
Sinh thiết bàng quang
Chẩn đoán xác định bướu ác bàng quang, viêm bàng quang kẽ, lao bàng quang. Chống chỉ định sinh thiết bàng quang trong trường hợp viêm bàng quang cấp tính do lao. Trong trường hợp lao bàng quang, chỉ sinh thiết khi có hình ảnh củ lao hoặc các ổ loét ở xa miệng niệu quản bình thường (cần loại trừ bướu bàng quang).
Đặt thông niệu quản
Thông niệu quản được đặt trong trường hợp cần xác định tình trạng thông suốt của niệu quản (đánh giá hẹp niệu quản).
Lấy dị vật
Để tìm dị vật trong lòng bàng quang phải dùng ống soi có kích thước lớn hơn 19 Fr mới có kênh thao tác bên trong. Qua kênh thao tác đó dùng dụng cụ gắp lấy dị vật ra ngoài qua ngã niệu đạo.
Lấy thông niệu quản hoặc thông Double J đặt lưu trong bàng quang
Lấy sỏi bàng quang qua ngã niệu đạo.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH NỘI SOI BÀNG QUANG
- Viêm niệu đạo cấp, viêm tuyến tiền liệt cấp tính
- Viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn cấp
- Sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu
- Rối loạn đông máu nặng
Các tình huống có thể gặp sau soi bàng quang cần thông báo trước cho bệnh nhân:
- Tiểu đau buốt, tiểu máu
- Nhiễm trùng đường tiểu dưới
- Bí tiểu, thủng niệu đạo (rất hiếm gặp)
NỘI SOI BÀNG QUANG Ở TRẺ EM
CHẨN ĐOÁN
- Bất thường bẩm sinh : Túi thừa bàng quang, tồn tại ống niệu rốn, nang niệu quản, van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo, niệu đạo đôi…
- Nghi ngờ tắc nghẽn đường tiểu dưới.
- Tiểu máu
- Tiểu không kiểm soát kéo dài
- Xoang niệu dục (tồn tại ổ nhớp), rối loạn biệt hóa giới tính
- Theo dõi sau khi tạo hình bàng quang , chuyển lưu nước tiểu
ĐIỀU TRỊ
Ngược dòng bàng quang – niệu quản:
Các chất được bơm vào bàng quang (như Deflux) tại vị trí lỗ niệu quản ở sàn tam giác để làm thay đổi chiều dài và độ chếch của đoạn niệu quản nội thành bàng quang có tác dụng chống ngược dòng (chỉ định điều trị với các trường hợp : ngược dòng nguyên phát độ II, III, IV, ngược dòng nguyên phát độ I hai bên, ngược dòng kéo dài hoặc tái phát sau phẫu thuật).
Bàng quang hỗn loạn thần kinh: Các trường hợp thoát vị màng tủy ở trẻ em thường có phản xạ cơ chóp bàng quang làm bàng quang giảm dung tích, giảm khả năng dãn nở, nhưng lại co bóp không hiệu quả. Về lâm sàng trẻ vừa bị són nước tiểu vừa có nước tiểu tồn lưu. Các biện pháp điều trị thường dùng là đặt thông niệu đạo sạch cách quãng cùng với thuốc kháng cholinergic. Tuy nhiên có 10% các trường hợp không đáp ứng với thuốc cholinergic hoặc thuốc có tác dụng phụ. Đối với những trường hợp này thường phải nội soi bàng quang để tiêm botulinum A toxin vào cơ detrusor giúp cơ bàng quang bớt tình trạng co thắt.
Nang niệu quản : Nang niệu quản là tình trạng dãn nở bẩm sinh dạng nang của đoạn niệu quản nội thành bàng quang. Có 80% các trường hợp nang niệu quản xuất hiện ở niệu quản của phần thận trên trong các trường hợp thận đôi. Nang niệu quản hai bên chiếm 10 % các trường hợp nang niệu quản. Các trường hợp nang niệu quản ở niệu quản bình thường, nang nằm trọn trong lòng bàng quang. Các trường hợp nang niệu quản ở niệu quản lạc chỗ, nang có thể nằm ngay cổ bàng quang hoặc nằm trong niệu đạo. Hơn 50% các trường hợp sau khi cắt nang niệu quản cần phải được điều trị tiếp bằng phẫu thuật cắm lại niệu quản vào bàng quang.
Van niệu đạo sau: Qua ống nội soi, dùng dao điện cắt van niệu đạo tại 3 vị trí sẽ giải quyết được tình trạng bế tắc đường tiểu dưới.
Hẹp niệu đạo: nội soi dẫn đường có vai trò rất quan trọng , quyết định chẩn đoán và điều trị.
TÓM LẠI
Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh lý đường tiết niệu dưới, bệnh nhân cần phải đến khám tại những trung tâm niệu khoa được trang bị tốt để chẩn đoán sớm và kịp thời, góp phần quyết định thành công của việc điều trị bệnh.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH NỘI SOI BÀNG QUANG
Van niệu đạo sau
Sỏi trong niệu đạo nam
Niệu quản bên trái trước khi gắp sỏi
Niệu quản bên trái sau khi gắp sỏi
Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG
Chuyên khoa Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria
135A Nguyễn Văn Trỗi, p 12, Q. Phú Nhuận, TP HCM