Khối u quy đầu?

Bác sĩ tư vấn giúp cháu!!
Cháu kính chào bác sĩ Năm nay cháu 25 tuổi,qua sách báo cháu nghĩ mình bị hẹp bao quy đầu.cháu tham khảo trên mạng thấy các bác sĩ có tư vấn qua mail ,nhiệt tình và chu đáo..Sau nhiều ngày suy nghĩ nên cháu quyết định gửi mail cho bác sĩ tư vấn giúp cháu.Cháu mong là cháu không làm phiền bác sĩ..Khoảng 5 năm trước lúc cháu đi nghĩa vụ quân sự ,tắm vô tình cháu sờ vào đầu dương vật của mình thấy nổi 1 cục u phía trong đó bác sĩ.nó nằm ở trong chứ không phải ở ngoài quy đầu,ấn vào cháu cũng không thấy đau…thời gian đó di nghĩa vụ hoàn cảnh thiếu thốn nên cháu không đi khám được.Đôi lúc cháu thấy có tiết dịch nhờn nhờn giống mũ.không đau,không lở loét gì ở dương vật cháu cả…Lúc cương lên quy đầu cháu không lòi ra ngoài cháu cũng không thấy đau gì hết..Sau 1 thời gian ,đến nay đã 5 năm trôi qua rồi cháu cũng không biết cái cục u phía trong quy đầu đó là gì..Cháu thấy nó vẫn vậy không lớn lên gì hết. không gây đau đớn gì nên đôi lúc cháu cũng không để ý .Khoảng 1 tháng nay cháu thấy nổi 1 cục hình như là sỏi bao quy đầu,nó nằm phía bên phải bao da quy đầu(tại cháu lên mạng thấy ghi vậy)…đầu dương vật cháu màu xám chứ không phải màu hồng…nhìn đầu dương vật có màu vàng vàng như mũ ngay lỗ sáo…Cháu hoảng quá nên tuần trước có đi khám bác sĩ nói cháu bao quy đầu hơi dài,hơi hẹp bao quy đầu,lỗ sáo thấp khuyên cháu cắt bao quy đầu…10/11 là ngày cháu cắt bao quy đầu nhưng cháu thấy lo lắng quá nên cháu nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu có bị ung thư dương vật không ạ..tại khối u đó cháu thấy nó vẫn thế..Cháu đi tiểu bình thường bác sĩ,quan hệ bình thường luôn.vợ cháu còn sắp sinh 1 thằng cu nữa.. Cháu xem hình ung thư dương vật trên mạng thấy nó sùi loét ghê lắm,cháu không bị vậy.chỉ có khối u đó lấu quá mà thấy không mất đi nên cháu cũng lo..Không biết nó lành hay ác. Bác sĩ cho cháu hỏi thêm 1 câu nữa nếu như mình bị ung thư dương vât thì sinh con được không ạ..Con mình sau này có bị di truyền gì không bác sĩ.. Tại tâm trạng cháu hơi hoảng nên cháu hỏi bác sĩ hơi nhiều..Mong bác sĩ bỏ chút thời gian đọc tình trạng bệnh của cháu và cháu mong bác sĩ đừng giận cháu nếu cháu làm phiền bác sĩ…cháu cũng không biết mình nên hỏi bên chuyên khoa ung thư hay tiết niệu nên mong bác sĩ thông cảm…. Cháu có gửi hình mong bác sĩ xem giúp.. Cháu chúc bác sĩ và gia đình bác nhiều sức khỏe…

– Bác sĩ  Nguyễn Trí Quang:

Tôi rất thông cảm về tình trạng của bạn hiện giờ! Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại với bạn một số vấn đề:
1. Nếu thực sự có ung thư dương vật thì bạn vẫn có thể sinh tinh trùng và có con bình thường (nếu xử trí sớm và hệ thống sinh tinh và phóng tinh bình thường)
2. Có thể bạn chỉ bị viêm xơ teo quy đầu – da quy đầu do: hẹp da quy đầu+ viêm kéo dài + dị tật lỗ tiểu đóng thấp mà thôi (hiện giờ tôi vẫn chưa nghĩ bạn bị ung thư đâu!)
3. Nếu như thật sự bạn có khối u rõ rệt, chắn chắn người bác sĩ làm cho bạn sẽ cắt một mẫu mô nhỏ để gửi đọc “ giải phẫu bệnh”: khẳng định bạn có phải thật sự bị ung thư hay không!
4. Còn về khối tại quy đầu như bạn mô tả, do tôi chưa trực tiếp khám bạn nên không thể chẩn đoán cho bạn được. Bạn có thể nhờ bác sĩ của bạn giải thích cho bạn, việc này cũng tương đối đơn giản thôi!
Chúc bạn sức khỏe và bình tĩnh lại bạn nhé!

Bệnh nhân:

Dạ cháu xin cám ơn bác sĩ.được nghe những lời tư vấn và động viên của bác sĩ cháu thấy vững tâm hơn.cháu chúc bác sĩ và gia đình nhiều sức khỏe ạ

Có phải là sỏi bao quy đầu?

Chào bác sĩ em bị hẹp bao quy đầu nên phần dưới bao quy đầu và lỗ sáo dính vào nhau không lộn ra được.phía bên phải bao quy đầu bên dưới em thấy có nổi 1 cục cỡ hạt đậu xanh.em chuẩn bị cắt bao quy đầu vậy khi cắt thì bác sĩ có lấy cục sỏi đó ra được không ạ em xin chân thành cám ơn!

– Bác sĩ  Nguyễn Trí Quang:

Khi nam giới bị hẹp bao da quy đầu, một số trường hợp xảy ra sự bong tách một phần giữa quy đầu và da quy đầu tạo nên một khoảng trống. Các dịch tiết ở rãnh quy đầu sẽ tích tụ lại ngay chỗ trống này, lâu ngày tạo thành một cục hình tròn hay bầu dục, màu trắng hay vàng nhạt, nhìn thấy rất rõ dưới da bao qui đầu – một số người còn gọi là “sỏi bao quy đầu”. Và như vậy, khi bác sỹ cắt bao da quy đầu cho bạn thì việc lấy “viên sỏi” này là rất dễ dàng!
Chúc bạn sức khỏe!

Cong dương vật

Thưa bác sỹ Quang! Tôi đang sống ở Đà Nẵng, Năm nay tôi 26 tuổi. Do không có kiến thức đầy đủ về sức khỏe tình dục nên gần đây tôi chỉ mới biết là tôi bị bệnh cong dương vật. Triệu chứng là khi dương vật cương cứng, thường bị cong vênh về bên phải. Vậy xin bác sỹ cho tôi biết về tác hại của bệnh này và cách chữa trị. Tôi xin chân thành cảm ơn
Phan Hoàng Thái (Đà Nẵng)
– Bác sĩ  Nguyễn Trí Quang:
Dương vật được cấu tạo chính là hai ống thể hang. Các ống này mà bị bất thường bên dư, bên thiếu thì dương vật sẽ cong về bên thiếu. Cong có thể là cong xuống, cong lên, cong trái hay cong phải, thậm chí xoắn.

Cong ít, dưới 30 độ thì không sao, cong nhiều hơn thì bạn sẽ khó quan hệ, mà nếu cứ ráng quan hệ thì cả hai đều đau dẫn đến giảm hoặc mất khả năng cương cứng.

Chữa dương vật hết cong chỉ có một cách là mổ. Dương vật cong trên 30 độ được xem là cong nặng và cần phẫu thuật chỉnh thẳng để quan hệ thoải mái. Nhưng nếu cong ít hơn, 15-20 độ, mà quan hệ khó khăn, không thoải mái thì nên mổ.

Tôi bị “mềm” & “cong”!

Tôi có vợ 7 năm và 1 con trai 4 tuồi. Gần 1 năm nay có hiện tượng dương vật cương không đủ cứng để gần gủi với vợ, hay đang “vui vẻ” bỗng dưng mềm xuống. Và dương vật có xu hướng cong về phía bên phải. Xin hỏi phải điều trị như thế nào, tại đâu. Xin cám ơn.
Bùi Trung Hiếu (Trà Vinh)
– Bác sĩ  Nguyễn Trí Quang:Theo những biểu hiện bạn miêu tả thì đúng là bạn mắc chứng rối loạn cương dương. Rối loạn cương dương thường biểu hiện ở các triệu chứng sau:

– Có ham muốn tình dục nhưng dương vật cương không đủ cứng để giao hợp.

– Cương không đúng lúc. Lúc không giao hợp thì cương nhưng khi giao hợp thì không.

– Dương vật cương cứng không đủ lâu, giao hợp không trọn vẹn.

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do:

Về thể chất: bị mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, trải qua các cuộc phẫu thuật gây thương tổn, chấn thương hay rối loạn nội tiết…

Về tinh thần: lo âu (bao gồm cả các vấn đề trong cuộc sống lẫn lo lắng về khả năng quan hệ tình dục của bản thân) hoặc bị chấn thương tâm lý nặng nề…

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: hút thuốc lá, rượu, ma túy, dược phẩm gây phản ứng phụ, sống thụ động, ít vận động…

Đặc biệt, bạn còn bị cong dương vật (không rõ do chấn thương hay bẩm sinh). Bạn có thể đến bất kỳ phòng khám chuyên khoa nam khoa nơi bạn ở để kiểm tra tất cả vấn đề này và điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể và nếu cần phải phẫu thuật chỉnh cong dương vật thì bạn phải vào bệnh viện chuyên khoa chứ không phải ở phòng khám bạn nhé!

TINH HOÀN ẨN

“Một bên tinh hoàn của cháu không có từ lúc mới sinh. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị tinh hoàn ẩn và đã mổ đem tinh hoàn xuống vào tháng 3/2012. Đến nay, cháu bốn tuổi, tinh hoàn vẫn chưa xuống. Liệu để lâu sức khỏe của cháu sau này có bị ảnh hưởng không?”

79324685_4x3

Bs Nguyễn Trí Quang, Khoa Tiết Niệu và Nam Khoa, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare tư vấn:
Trường hợp của bé sau khi mổ hơn một năm mà tinh hoàn chưa xuống, có thể xảy ra theo các hướng sau:
– Tinh hoàn bị teo nhỏ cho nên bạn khó sờ thấy
– Tinh hoàn còn ở đoạn trên cao, gần sát lỗ bẹn ngoài nên bạn không biết khám thì cũng không thể nào thấy được.
– Tinh hoàn tụt ngược vào trong ống bẹn (hiếm gặp)
Trường hợp nào bạn cũng cần đưa bé đến chuyên khoa tiết niệu để kiểm tra lại.
– Trường hợp tinh hoàn ở thể cao, khi bé trưởng thành nó có thể tự xuống.
– Trường hợp tinh hoàn bị teo nhỏ sẽ mất chức năng sinh tinh trùng, thậm chí tinh hoàn ẩn bị teo nhỏ trong tương lai, sau khi hạ xuống bìu vẫn có nguy cơ phát triển thành ung thư, do đó cần phải tái khám định kỳ.
– Trường hợp tinh hoàn tụt ngược lại vào trong ống bẹn thì cần khám và nên xem xét khả năng phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu.

(Trích phần tư vấn của Bs Nguyễn Trí Quang – Khoa Tiết Niệu và Nam Khoa, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare trên báo Tiếp thị và Gia đình)

TINH HOÀN ẨN: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Tinh hoàn ẩn là gì?

Trong quá trình phát triển của thai nhi nam, lúc đầu, tinh hoàn nằm trong ổ bụng (ngay tại hố thận) ; sau đó, nó di chuyển dần xuống bìu. Tinh hoàn ẩn (cryptorchidism) là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu và còn dừng lại trên đường di chuyển như trong thời kỳ phôi thai.

1

Nguyên nhân gây nên tinh hoàn ẩn?

Các yếu tố nội tiết và môi trường, khiếm khuyết bẩm sinh của tinh hoàn, giảm áp lực khoang bụng, không có dây chằng bìu hay dây này quá dài, các bất thường của thần kinh sinh dục đùi.

Tỷ lệ?

Khoảng 2-4% trẻ sơ sinh đủ tháng bị tinh hoàn ẩn, nhưng ở trẻ đẻ non tỷ lệ này là 21% và chiếm 1% ở trẻ 1 tuổi. Khoảng 10% tinh hoàn ẩn xảy ra cả hai bên.

Khoảng 80% tinh hoàn ẩn sờ thấy được ở ống bẹn, 20% còn lại không thể sờ thấy được.

Làm thế nào để phát hiện sớm bé bị tinh hoàn ẩn tại nhà?

Khám tinh hoàn ẩn cần khám ở cả tư thế đứng và tư thế nằm ngửa. Nếu trẻ trai còn nhỏ, cha mẹ có thể kiểm tra nơi bìu nhưng không thấy tinh hoàn ở dưới bìu. Ở trẻ lớn hay người lớn, tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên.

Trong tinh hoàn ẩn thực sự, bìu bên có tinh hoàn thường không phát triển. Đây là một dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt với một triệu chứng bình thường là “ tinh hoàn di động” – là tình trạng tinh hoàn có trong bìu nhưng có thể bị cơ bìu kéo lên phía khớp mu, và ở đây bìu vẫn phát triển bình thường và tinh hoàn có thể đẩy nhẹ được xuống bìu. Tinh hoàn di động không cần phải được điều trị và có thể tự hết khi trưởng thành.

Những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán tại bệnh viện?

Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng là các phương tiện thăm dò từ thấp đến cao nhằm xác định chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra còn một số phương pháp: thử nghiệm hCG, nhiễm sắc thể đồ (khi cần xác định lại giới tính ở bệnh nhân có tinh hoàn ẩn hai bên), hormon…

Khi nào cần phải điều trị?

Thông thường, với trẻ bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn có thể tự “xuống” sau 3 tháng sau sinh. Nếu sau 1 năm thì tinh hoàn không thể xuống được nữa. Do đó, trẻ nên được theo dõi thật chu đáo trong năm đầu.

Nếu sau 1 tuổi tinh hoàn vẫn không “xuống”, trẻ sẽ được tiến hành điều trị, ban đầu điều trị nội khoa. Nhưng tỷ lệ thành công tương đối thấp khoảng 15%.

Nếu trong 3-6 tháng không hiệu quả, bé sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa là biện pháp điều trị duy nhất để đảm bảo khả năng sinh tinh trùng về sau này.

Điều trị ngoại khoa tinh hoàn ẩn như thế nào?

Khi tinh hoàn ẩn sờ thấy được: hạ tinh hoàn xuống bìu qua đường mổ bẹn.

Khi tinh hoàn ẩn không sờ thấy được: hạ tinh hoàn xuống bìu bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng.

Nên thực hiện cắt bỏ tinh hoàn nếu trẻ trên 10 tuổi và có tinh hoàn bên kia trong bìu.

Biến chứng của tinh hoàn ẩn?

Ung thư tinh hoàn: tỷ lệ ung thư tinh hoàn tăng gấp 10 lần so với người có tinh hoàn ở bìu.

Vô sinh: bệnh nhân tinh hoàn ẩn có tinh dịch đồ và khả năng sinh sản thấp hơn bình thường. Khoảng 89% bệnh nhân tinh hoàn ẩn hai bên bị vô tinh.

Xoắn tinh hoàn.

Lời kết

Đối với trẻ trai sinh thiếu cân, sinh non, sinh đôi, cha mẹ cần chú ý kiểm tra xem bé có bị ẩn tinh hoàn hay không để đưa trẻ đi điều trị sớm. Mọi trường hợp phát hiện được trẻ trai bị tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh nguy cơ vô sinh và ung thư hóa tinh hoàn…

Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG

Chuyên khoa Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria

135A Nguyễn Văn Trỗi, p 12, Q. Phú Nhuận, TP HCM

 

HẸP DA QUY ĐẦU Ở TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN – BS NGUYỄN TRÍ QUANG

Hẹp bao da quy đầu là hiện tượng da quy đầu dương vật không thể kéo về phía sau khỏi rãnh quy đầu được ngay cả khi cương cứng. Theo hiệp hội niệu khoa châu Âu (EAU: European Association of Urology – 2013), vào năm đầu đời của bé tỷ lệ quy đầu chưa thoát ra khỏi bao da quy đầu khoảng 50%, tỷ lệ này tăng lên đến 89% lúc bé 3 tuổi. Tỷ lệ hẹp da quy đầu là 8% ở trẻ từ 6-7 tuổi và chỉ còn 1% khi lớn đến 16-17 tuổi.

HẸP DA QUY ĐẦU
HẸP DA QUY ĐẦU

Bán hẹp bao da quy đầu là hiện tượng da quy đầu có thể kéo về phía sau khỏi rãnh quy đầu nhưng không thể kéo về được do quá hẹp. Đây có thể được xem là một tình huống khẩn cấp vì nó tạo thành vòng thắt cản trở sự tưới máu của quy đầu dẫn đến phù nề thậm chí hoại tử cả quy đầu.

BÁN HẸP DA QUY ĐẦU
BÁN HẸP DA QUY ĐẦU

Nguy cơ của hẹp da quy đầu là gì?

Theo Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCCN: National Comprenhisive Cancer Network – 2014), tỷ lệ những người đàn ông bị hẹp bao da quy đầu có nguy cơ ung thư dương vật tăng rất cao lên đến 25 – 60%.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, có sự gia tăng nguy cơ nhiễm HPV ở những người đàn ông không cắt da quy đầu (19,6%) so với những người đàn ông cắt da quy đầu (5,5%) (Castellsague, 2002).

Ngoài ra, những người bị hẹp da quy đầu còn thường bị nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng quy đầu, da quy đầu; đau đớn khi quan hệ tình dục (do bán hẹp bao da quy đầu), bí tiểu …

Có nên nong hay lộn ngược bao da quy đầu ?

Chúng ta cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa hẹp da quy đầu và sự dính sinh lý bình thường của da quy đầu với quy đầu của bé. Đa số trường hợp bé được dẫn đến khám bác sĩ về hẹp da quy đầu đều là sự dính sinh lý bình thường của quy đầu với quy đầu, sự dính sinh lý này sẽ tự tách rời khi trẻ lớn dần cho tới khi trẻ dậy thì (khoảng 12-13 tuổi) thì bao quy đầu sẽ tự tách hẳn khỏi quy đầu. Điều này phần lớn các bác sĩ không phải chuyên ngành đến giờ vẫn còn nhầm lẫn nêndẫn đến hậu quả là bé bị nong, bị lộn da quy đầu lên rất đau đớn. Chính vì điều này làm cho da quy đầu của bé bị viêm, nhiễm trùng và đặc biệt là sẽ bị hẹp thứ phát do sẹo co rút da quy đầu về sau.

Nếu không nong, lộn ngược da quy đầu thì làm sao vệ sinh quy đầu cho bé?

Dịch tiết bên trong bao da quy đầu ở trẻ em rất ít, không gây nhiễm trùng và có thể tự thoát ra ngoài. Ở người lớn thì ngược lại, nhiều hơn và dễ bị nhiễm trùng nên cần phải vệ sinh sạch sẽ và cắt da quy đầu nếu bị hẹp.

Nhiều trường hợp dịch tiết ở quy đầu của bé có thể tụ lại thành một khối tròn có thể thấy và sờ được trực tiếp ngay dưới da quy đầu khiến nhiều người rất lo lắng. Thế là bé lại bị nong, lộn da quy đầu rất đau để lấy ra! Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng sự tách của bao quy đầu khỏi quy đầu thường diễn tiến theo chiều thuận: tách từ chóp quy đầu dần tới rãnh quy đầu. Nhưng đôi khi cũng xảy ra trường hợp ngược lại: phía bên ngoài chỗ chóp quy đầu chưa tách nhưng bên trong rãnh quy đầu đã có hiện tượng tách quy đầu rồi. Do đó, ngay tại chỗ này sẽ có một khoảng trống. Các dịch tiết ở rãnh quy đầu sẽ tích tụ lại ngay chỗ trống này, lâu ngày tạo thành một khối hình tròn hay bầu dục, màu trắng hay vàng và nhìn thấy rất rõ dưới da bao quy đầu. Khối này sẽ lớn dần, có thể to như hạt đậu. Bản thân khối này không phải là u bướu, không bị nhiễm trùng, cũng không cản trở đường tiểu của bé. Nói tóm lại là nó không gây nguy hiểm gì cho bé cả, thậm chí còn có lợi vì sẽ giúp sự tách bao quy đầu khỏi quy đầu diễn ra nhanh hơn. Và tất nhiên, khi sự tách hoàn tất, nó sẽ tự rớt ra ngoài.

Điều trị hẹp bao da quy đầu ở trẻ em như thế nào?

Nhìn chung, tỷ lệ hẹp bao da quy đầu thực sự ở trẻ em rất thấp, cho nên không khuyến khích cắt da quy đầu thường quy cho bé nếu không có chỉ định.

Một số trường hợp, bé bị hẹp bao da quy đầu nguyên phát muốn điều trị bảo tồn bằng thuốc không muốn cắt da quy đầu thì có thể dùng một loại thuốc mỡ hoặc kem corticoid (0,05-0,1%) bôi lên da quy đầu hai lần một ngày trong khoảng thời gian 20-30 ngày với tỷ lệ thành công hơn 90%. Tỷ lệ tái phát là 17% (Theo hiệp hội niệu khoa châu Âu – EAU: European Association of Urology – 2013).

Chỉ định cắt bao da quy đầu?

Hẹp thứ phát do sẹo co rút da quy đầu (chỉ định tuyệt đối)

Viêm quy đầu, da quy đầu tái phát

Nhiễm trùng tiểu tái phát trên những bệnh nhân có bất thường về đường tiết niệu

Một túi phình đơn giản ở da quy đầu của bé khi đi tiểu không phải là một chỉ định nghiêm ngặt để cắt bao da quy đầu.

Chống chỉ định cắt bao da quy đầu?

Rối loạn đông máu

Nhiễm trùng cấp tính da quy đầu

Dị tật bẩm sinh của dương vật : lỗ tiểu đóng thấp, vùi dương vật, cong dương vật (da quy đầu có thể cần cho phẫu thuật tái tạo sau này)

Biến chứng có thể gặp sau khi cắt da quy đầu?

Chảy máu (0.1%)

Cong, xoắn, lệch dương vật do cắt da quy đầu quá nhiều.

Hẹp miệng niệu đạo do viêm (hẹp lỗ tiểu)

Viêm xơ tắc quy đầu, da quy đầu (Balanitis Xerotica Obliterans)

Viêm dính quy đầu – thân dương vật

1

VIÊM XƠ TẮC QUY ĐẦU - DA QUY ĐẦU (Balanitis Xerotica Obliterans)
VIÊM XƠ TẮC QUY ĐẦU – DA QUY ĐẦU (Balanitis Xerotica Obliterans)
HẸP MIỆNG NIỆU ĐẠO DO VIÊM (HẸP LỔ TIỂU)
HẸP MIỆNG NIỆU ĐẠO DO VIÊM (HẸP LỔ TIỂU)

Tóm lại, hẹp bao da quy đầu là một bệnh có nhiều nguy cơ nhưng nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, máy đốt điện hiện đại ra đời, nên cắt bao quy đầu trở nên đơn giản (phẫu thuật rất ít chảy máu, ít đau, chỉ cần gây tê tại chỗ, sau mổ không cần cắt chỉ, thời gian phẫu thuật ngắn, không phải nằm viện). Tuy phẫu thuật đơn giản nhưng do thực hiện ở vị trí nhạy cảm nên rất dễ bị viêm nhiễm, chảy máu hoặc dễ làm tổn thương, gây biến dạng hình thái dương vật. Do vậy, bệnh nhân nên chọn những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để làm thủ thuật, tránh bị ảnh hưởng bởi những lời quảng cáo hoa mỹ, những lời giải thích về bệnh tình thật nặng nề nhưng thực sự chưa có chỉ định cắt hoặc nong da quy đầu.

Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG

Chuyên khoa Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria

135A Nguyễn Văn Trỗi, p 12, Q. Phú Nhuận, TP HCM