Thận bị ứ nước sau mổ có nguy hiểm không?

Câu hỏi khách hàng Mai Tiến Vũ: Tôi bị sỏi thận hai bên, bên phải đã mổ nhưng đến nay vẫn có sỏi kích thước 2cm. Thận trái có nhiều sỏi kích thước mỗi viên 1cm, vừa rồi do sỏi rơi xuống niêu quản gây tắc nên được chỉ định mổ nội soi ngược dòng đặt ống thông niệu quản , đến nay đã điều trị được sỏi niệu quản nhưng thận vẫn bị giãn, xin hỏi  bác sỹ là nếu để thận bị giãn như vậy có bị suy thận không? Và điều trị bằng phương pháp nào?

Xin chào bạn,

Tình trạng bế tắc niệu quản do sỏi thường làm cho thận bị ứ ước (giãn đài – bể thận). Thận bị ứ nước có thể dẫn đến teo ống thận và tổn thương thận không hồi phục (suy thận).

Theo một số nghiên cứu mới nhất, nếu tình trạng bế tắc diễn ra dưới 1 tuần thì chức năng thận có thể hồi phục lại hoàn toàn nhưng sẽ ít hoặc không thể hồi phục lại hoàn toàn sau 12 tuần.

Sau khi tán sỏi, thận vẫn còn bị ứ nước thì thường là di chứng để lại của sự bế tắc gây nên do sỏi. Nếu như bạn hoàn toàn không có triệu chứng gì: không đau hông lưng, xét nghiệm máu về chức năng thận bình thường, có rất ít hoặc không phát hiện teo nhu mô thận qua siêu âm, CT scan; xạ hình thận bình thường thì không cần phải xử trí gì thêm; chỉ cần theo dõi hình thái và chức năng thận hàng năm là đủ.

Nếu như ngược lại, bạn cần phải điều trị kịp thời tùy theo mức độ ứ nước của thận nhằm giúp thận hồi phục một cách tốt nhất. Các phương pháp điều trị có thể là: nong niệu quản bằng bóng, đặt stent niệu quản, phẫu thuật tạo hình niệu quản qua nội soi hoặc mổ mở.

Chúc bạn nhiều sức khỏe!

Bác sĩ Nguyễn Trí Quang

Sỏi niệu quản có nguy hiểm không?

Câu hỏi khách hàng Quốc Trường: Hai tháng trước em bị đau vùng lưng bên trái, đi khám bác sĩ kết luận em bị sỏi niệu quản lưng . Bác sĩ yêu cầu uống thuốc và tiến hành mổ sau 2 tuần. Em chỉ uống thuốc và chưa quay lại tái khám. Thời gian gần đây em thấy hay bị nhói đau vùng bụng dưới bên trái, mỗi khi đi tiểu nhói đau hơn, em không còn thấy đâu vùng thắt lưng nữa. Uống nhiều nước thì lại dễ chịu. Bác sĩ cho em hỏi: Triệu trứng như vậy có phải là sỏi đã rớt xuống bàng quang không.

Xin chào bạn,

Triệu chứng bạn mô tả rất giống với tình huống di chuyển xuống đoạn niệu quản dưới (niệu quản chậu). Nhưng để chẩn đoán chính xác vị trí của sỏi ở niệu quản chậu hay bàng quang bạn cần phải làm một số xét nghiệm: X-Quang hệ niệu, siêu âm bụng, CT Scan bụng bạn nhé.

Tôi muốn nhấn mạnh với bạn một điều là sỏi niệu quản chỉ gây đau trong giai đoạn đầu, giai đoạn sau thường ít hoặc không đau khiến cho bệnh nhân chủ quan không tái khám với bác sĩ chuyên khoa. Khi phát hiện vẫn còn sỏi thì thường kèm theo thận bị ứ nước, suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng huyết… lúc đó thường là quá trễ và có khi phải cắt bỏ luôn quả thận cùng bên với đoạn niệu quản bị bế tắc do sỏi.

Do đó, bạn cần phải tái khám lại với bác sĩ để điều trị triệt để bệnh sỏi niệu quản này nhé!

Bác sĩ Nguyễn Trí Quang

Chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào tới bệnh sỏi thận?

Câu hỏi khách hàng Nguyễn Thái Việt Hưng: Chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào tới bệnh thận. Nghe nói bệnh thận thì phải ăn thức ăn có vị nhạt, không được ăn nhiều muối…xin cho hỏi nếu bệnh thận thì phải tránh những món ăn gì?

Xin chào bạn,

Tôi xin gửi cho bạn những khuyến cáo mới nhất hiện nay về dinh dưỡng trong phòng ngừa sỏi thận:

 

Theo khuyến cáo của Hiệp hội niệu khoa châu Âu (2019), những nguyên tắc chung trong phòng ngừa:

NƯỚC UỐNG

  • Tổng lượng nước nhập (nước từ nguồn thực phẩm hoặc nước uống): 2.5-3 lít/ngày (nhưng các bạn không cần phải đo lượng nước này, các bạn chỉ cần nhớ “màu nước tiểu” của mình là đủ: nếu màu nước tiểu trong hay vàng nhạt là tốt, còn nếu màu vàng vừa đến vàng sậm là không tốt).
  • Cung cấp nước trải đều trong ngày (không nên uống một lúc quá nhiều rồi không uống trong khoảng thời gian dài).
  • Nước có độ PH trung bình (pH =7): nước khoáng. Còn những loại khác thì phải xem thông tin trên nhãn sản phẩm có độ PH xung quanh mức trung bình ( VD: sữa, sữa đậu nành, nước trái cây…).
  • Lượng nước tiểu: 2-2.5 lít/ngày.
  • Tỷ trọng nước tiểu < 1.010 (qua xét nghiệm nước tiểu).

DINH DƯỠNG

  • Chế độ dinh dưỡng “cân bằng” – tránh tiêu thụ quá nhiều Vitamin bổ sung. VD: vitamin C (do
    tăng tạo Oxalate từ quá trình chuyển hóa của Vitamin C).
  • Chế độ ăn nhiều rau quả và chất xơ.
  • Hạn chế ăn thực phẩm có quá nhiều Oxalate: Rau Spinach hay còn được gọi là rau bina, tiếng Việt gọi là rau bó xôi hay chân vịt, khoai tây. Hạt: Hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều.
  • Cung cấp lượng Canxi trung bình 1-1.2g/ngày (quá thừa hay quá thiếu Canxi đều có thể gây nên sỏi thận).
  • Giới hạn lượng muối tiêu thụ từ 4-5g/ngày (Nếu dùng muối quá nhiều sẽ tăng bài tiết canxi trong nước tiểu, giảm hàm lượng Citrat và dễ gây nên sỏi thận).
  • Giới hạn lượng đạm động vật tiêu thụ chỉ từ 0.8-1g/kg cân nặng/ngày (nếu cung cấp quá nhiều đạm sẽ làm giảm lượng “Citrat”, giảm độ pH nước tiểu, tăng acid uric và oxalat trong nước tiểu và đây chính là những yếu tố thúc đẩy việc tạo sỏi).

 

LỐI SỐNG

  • Duy trì trọng lượng cơ thể (BMI) vừa phải (nếu BMI quá dư sẽ làm tăng lượng acid uric và giảm độ pH của nước tiểu dẫn đến dễ hình thành sỏi thận).
  • Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 150 phút/tuần).
  • Tránh để cơ thể bị mất nước quá nhiều (Làm việc trong môi trường quá nóng, quá nặng nhọc…)

Những thông tin cần biết về các loại nước uống và sỏi thận:

  • Nước chanh có hiệu quả trong việc phòng ngừa sỏi thận (vì có nhiều thành phần “Citrat” có khả năng ngăn cản sự kết tinh của các tinh thể tạo sỏi).
  • Nước cam cũng có hiệu quả nhưng ít hơn so với nước chanh trong vai trò ngăn ngừa sỏi thận và dễ gây tăng cân hơn.
  • Cà phê, trà và rượu không phải là yếu tố nguy cơ gây sỏi thận như một vài thông tin trước đây, vì vậy các bạn cũng không nên kiêng cử quá đáng.
  • Nước bưởi làm tăng nguy cơ tạo sỏi vì vậy cần hạn chế.
  • Giảm uống các loại nước ngọt, nước có chứa hàm lượng calo cao có thể giảm nguy cơ sỏi thận (Uống mỗi ngày 1 hoặc nhiều lon cola nguy cơ bị sỏi thận tăng 23%, non – cola tăng 33%)
  • Những loại nước uống có hàm lượng calo thấp và giàu citrate thường gặp ở các sản phẩm nước uống có ga không đường, nước uống có ga dành cho người ăn kiêng không có giá trị trong việc phòng ngừa sỏi thận.
  • Nước ép nam việt quất (Cranberry Juice) có khả năng phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu chứ không có khả năng phòng ngừa sỏi thận và uống vừa phải thì không có hại.

Tóm lại, với những thông tin mới nhất và gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của các bạn; Chúng tôi hy vọng rằng sẽ giúp được các bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp dự phòng sỏi thận cho mình và người thân.

 

Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG

Chuyên gia Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria

135A Nguyễn Văn Trỗi, p 12, Q. Phú Nhuận, TP HCM