Bàng quang tăng hoạt

Chào BS Quang,

Tôi tên Nhã Trúc, Tôi bị bệnh OAB được hơn 1 năm. Tôi đã đi khám và cho uống thuốc , làm các xét nghiệm như sau

* PCR lao nước tiểu : âm tính.

* Đo niệu động học : suy cơ Destrisor.

* Xét nghiệm sinh hoá

Urê/BUN : 32 mg/ dL

Creatinine: 0.86 mg/ dL

GFR( MDRD): >= 60ml/ ph/1.73m2
* Xét nghiệm SH nước tiểu 10 thông số

COLOR : màu vàng

CLARITY : trong

GLU: bình thường

BIL : âm tính.

KET : âm tính.

SG: 1.005

pH: 6

PRO: âm tính

URO: bình thường.

NIT : âm tính.

BLOOD: 25/ uL

LEU: âm tính.

Kết luận: Chưa thấy bất thường trên siêu âm.

Đo RUV sau khi tiểu xong : RUV = 24 ml

Thưa BS,
Nhờ Bác tư vấn giúp tôi 2 vấn đề

1/ Bệnh này có chữa dứt đc không? Thuốc Versicare, Minirin , Xatral uống đều đặn kéo dài khoảng 4 tháng rồi ngưng 3 tháng uống tiếp có tốt không?

2/ Chích thuốc Botox vào chóp thành bàng quang giữ đc 5 tháng khi ngưng thuốc bệnh tái phát lại và cách khắc phục ? Bệnh này nếu không chữa có ảnh hưởng đến 2 quả thận không? Có nên sống hoà bình với nó không?

Rất mong nhận đc sự tư vấn BS. Cám ơn BS. Chúc sức khoẻ. Mong tin.

Thân chào,
Nhã Trúc

– Bác sĩ  Nguyễn Trí Quang:

Chào bạn Nhã Trúc!
Trước hết, qua những thông tin mà bạn cung cấp cho tôi chứng tỏ bạn đã khám và điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt (OAB) ở một bệnh viện chuyên sâu về tiết niệu; và tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục tái khám ở đây sau này. Một số điều tôi có thể tư vấn cho bạn như sau:
1. Bệnh này tùy theo mức độ nặng mà có thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc chỉ giảm một phần hoặc ngày càng nặng hơn (có thể phải phẫu thuật:Neural stimulation/modulation, cắt cơ detrusor, tạo hình bàng quang… ).
2. Những bất thường của cơ trơn bàng quang có thể liên quan đến sự tái diễn của tình trạng bàng quang tăng hoạt. Sự bế tắc kéo dài có thể gây ra sự biến dạng của cơ trơn bàng quang, sự gia tăng của yếu tố phát triển thần kinh và giảm sự phì đại sợi thần kinh. Trên niệu động học, kháng lực niệu đạo ở phụ nữ trong trường hợp bàng quang tăng hoạt cao hơn ở phụ nữ bình thường (vì lý do này mà Bs cho bạn dùng Xatral – Alfuzosin) và cơ Destrusor (chịu trách nhiệm chính co bóp bàng quang tống xuất nước tiểu) có thể có một trong những tình huống sau : tăng động, bình thường và giảm động (suy cơ Destrusor) .
Tuy nhiên, trường hợp của bạn là “suy cơ Detrusor”(nếu như kết quả đo là chính xác) theo như Hiệp hội niệu khoa Châu Âu thì hiệu quả của việc sử dụng thuốc còn chưa rõ ràng; Do đó, bạn có thể sử dụng thuốc kết hợp với tập cơ sàn chậu và các nghiệm pháp hỗ trợ tống thoát nước tiểu (Crede: dùng tay ấn vùng trên xương mu, Valsalva: dùng áp lực ổ bụng khi đi tiểu) đến khi nào triệu chứng bệnh cải thiện.
3. Khi chức năng cơ Destrusor bình thường hay tăng hoạt sử dụng Minirin bạn cần tránh khi gặp :Chứng khát nhiều do thói quen/do tâm thần, suy tim, đang điều trị bằng lợi tiểu, suy thận trung bình-nặng, h/c tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH), hạ Na máu. Quá mẫn cảm với thành phần thuốc…), Vesicare (Bí tiểu, tình trạng dạ dày-ruột nặng – bao gồm chứng to đại tràng nhiễm độc, nhược cơ nặng, glaucoma góc hẹp, hoặc có nguy cơ với những tình trạng này. Quá mẫn với thành phần thuốc. Đang thẩm phân máu, suy gan trung bình-nặng, suy thận nặng, đang điều trị bằng chất ức chế CYP3A4 mạnh như Ketoconazole).
4. Trước khi tiêm Botox vào chóp bàng quang, bạn cần kiểm tra cho thật chính xác áp lực đồ, niệu dòng đồ, áp lực cơ thắt niệu đạo vì nếu thật sự cơ detrusor bị suy mà lại tăng kháng lực cơ thắt niệu đạo mà bạn tiêm Botox vào có thể bạn sẽ bị bí tiểu và rất là khó để có thể khắc phục được hậu quả này. Trường hợp “ suy cơ destrusor” thì hai phương pháp kích thích thần kinh xương cùng (Sacral neural stimulation/modulation) có tác dụng trong một số trường hợp.Còn trường hợp cơ destrusor bình thường hay tăng động khi tiêm Botox lần đầu tái phát sau 5 tháng bạn có thể tiêm nhắc lại nhiều lần tùy theo đánh giá lâm sàng, cận lâm sàng; ngoài ra còn có những phương pháp sau: kích thích thần kinh xương cùng (Sacral neural stimulation/modulation), phẫu thuật cắt cơ detrusor, tạo hình bàng quang …
5. Bệnh OAB tùy theo thể lâm sàng mà theo dõi nó. Nếu có triệu chứng bế tắc đường tiểu dưới có thể dẫn đến trào ngược bàng quang – niệu quản gây nhiễm trùng và suy thận, nếu như chưa có triệu chứng bế tắc thì bạn cũng có thể sống chung hòa bình với điều kiện: sử dụng thuốc hỗ trợ, tập cơ sàn chậu, tập bàng quang…Tóm lại, bạn rất cần phải theo dõi thường xuyên với những bác sĩ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này!
Chúc bạn sức khỏe và nhiều niềm vui!