Tinh hoàn ẩn là gì?
Trong quá trình phát triển của thai nhi nam, lúc đầu, tinh hoàn nằm trong ổ bụng (ngay tại hố thận) ; sau đó, nó di chuyển dần xuống bìu. Tinh hoàn ẩn (cryptorchidism) là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu và còn dừng lại trên đường di chuyển như trong thời kỳ phôi thai.

Nguyên nhân gây nên tinh hoàn ẩn?
Các yếu tố nội tiết và môi trường, khiếm khuyết bẩm sinh của tinh hoàn, giảm áp lực khoang bụng, không có dây chằng bìu hay dây này quá dài, các bất thường của thần kinh sinh dục đùi.
Tỷ lệ?
Khoảng 2-4% trẻ sơ sinh đủ tháng bị tinh hoàn ẩn, nhưng ở trẻ đẻ non tỷ lệ này là 21% và chiếm 1% ở trẻ 1 tuổi. Khoảng 10% tinh hoàn ẩn xảy ra cả hai bên.
Khoảng 80% tinh hoàn ẩn sờ thấy được ở ống bẹn, 20% còn lại không thể sờ thấy được.
Làm thế nào để phát hiện sớm bé bị tinh hoàn ẩn tại nhà?
Khám tinh hoàn ẩn cần khám ở cả tư thế đứng và tư thế nằm ngửa. Nếu trẻ trai còn nhỏ, cha mẹ có thể kiểm tra nơi bìu nhưng không thấy tinh hoàn ở dưới bìu. Ở trẻ lớn hay người lớn, tự sờ thấy trong bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên.
Trong tinh hoàn ẩn thực sự, bìu bên có tinh hoàn thường không phát triển. Đây là một dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt với một triệu chứng bình thường là “ tinh hoàn di động” – là tình trạng tinh hoàn có trong bìu nhưng có thể bị cơ bìu kéo lên phía khớp mu, và ở đây bìu vẫn phát triển bình thường và tinh hoàn có thể đẩy nhẹ được xuống bìu. Tinh hoàn di động không cần phải được điều trị và có thể tự hết khi trưởng thành.
Những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán tại bệnh viện?
Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng là các phương tiện thăm dò từ thấp đến cao nhằm xác định chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra còn một số phương pháp: thử nghiệm hCG, nhiễm sắc thể đồ (khi cần xác định lại giới tính ở bệnh nhân có tinh hoàn ẩn hai bên), hormon…
Khi nào cần phải điều trị?
Thông thường, với trẻ bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn có thể tự “xuống” sau 3 tháng sau sinh. Nếu sau 1 năm thì tinh hoàn không thể xuống được nữa. Do đó, trẻ nên được theo dõi thật chu đáo trong năm đầu.
Nếu sau 1 tuổi tinh hoàn vẫn không “xuống”, trẻ sẽ được tiến hành điều trị, ban đầu điều trị nội khoa. Nhưng tỷ lệ thành công tương đối thấp khoảng 15%.
Nếu trong 3-6 tháng không hiệu quả, bé sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa là biện pháp điều trị duy nhất để đảm bảo khả năng sinh tinh trùng về sau này.
Điều trị ngoại khoa tinh hoàn ẩn như thế nào?
Khi tinh hoàn ẩn sờ thấy được: hạ tinh hoàn xuống bìu qua đường mổ bẹn.
Khi tinh hoàn ẩn không sờ thấy được: hạ tinh hoàn xuống bìu bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Nên thực hiện cắt bỏ tinh hoàn nếu trẻ trên 10 tuổi và có tinh hoàn bên kia trong bìu.
Biến chứng của tinh hoàn ẩn?
Ung thư tinh hoàn: tỷ lệ ung thư tinh hoàn tăng gấp 10 lần so với người có tinh hoàn ở bìu.
Vô sinh: bệnh nhân tinh hoàn ẩn có tinh dịch đồ và khả năng sinh sản thấp hơn bình thường. Khoảng 89% bệnh nhân tinh hoàn ẩn hai bên bị vô tinh.
Xoắn tinh hoàn.
Lời kết
Đối với trẻ trai sinh thiếu cân, sinh non, sinh đôi, cha mẹ cần chú ý kiểm tra xem bé có bị ẩn tinh hoàn hay không để đưa trẻ đi điều trị sớm. Mọi trường hợp phát hiện được trẻ trai bị tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh nguy cơ vô sinh và ung thư hóa tinh hoàn…
Bác sĩ NGUYỄN TRÍ QUANG
Chuyên khoa Tiết niệu & Nam khoa phòng khám quốc tế Victoria
135A Nguyễn Văn Trỗi, p 12, Q. Phú Nhuận, TP HCM
Thích bài này:
Thích Đang tải...